1/3/15

Chiếc võng trong đời sống người Việt

Chiếc võng trong đời sống người Việt
Sống ở một nước nông nghiệp, người Việt phải trải qua biết bao cảnh cơ cực, thiếu thốn từ cái ăn, cái ở đến mọi vật dụng phục vụ cho sinh hoạt.Với tinh thần chịu thương chịu khó, con người đã vượt qua tất cả, họ đã biết tận dụng những sản vật quanh mình để tạo nên những sản phẩm cần thiết, có thể là căn nhà lá, cái giường tre, cái gác, cái kệ  bằng cây tạp…và một trong những sản phẩm gắn bó với đời sống   mỗi người đó là chiếc võng.
 Võng là một vật được đan bằng đay, bằng dây lác, bằng dây nilông, vải vụng…có nhiều lỗ hình mắt cáo  lúc nhỏ, lúc to.Có khi người ta không cần đan thắt mà chỉ  cần cắt một khụôn vải hoặc rọc cái bao bố ra may viền rồi may phía hai đầu để tạo thành cái võng, hai đầu võng được mắc vào hai cây cột trong nhà hoặc ngoài hàng ba hoặc giữa hai gốc cây ngoài vườn, ngoài liếp.Nếu không có chỗ giăng võng như ý muốn thì người ta có thể làm cái giá bằng cây hoặc bằng sắt để tiện sử dụng.
 

C
ó thể nói người Việt đã quen với nhịp võng xếp ngay từ những ngày còn thơ bé, nghĩa là trước hoặc sau thôi nôi, người ta đã để trẻ nằm võng. Do cơ thể còn yếu ớt, các bà mẹ thường lót chăn, lót mền ở dưới rồi để trẻ nằm lên. Khi rảnh thì người mẹ ngồi cạnh võng đưa cho trẻ ngủ, nếu có chuyện làm lặt vặt  thì nối sợi dây đưa võng dài ra, có thể từ nhà trên tới nhà dưới, lâu lâu đưa một cái. So với các phương tiện khác thì nằm võng có cảm giác thoải mái, êm hơn , đầu cao, không mỏi lưng nhất là có nhịp đong đưa,  có tiếng kêu kẽo kẹt vì vậy mà  khi bà mẹ dứt  tiếng ru , trẻ cũng ngủ ngon giắc.
Đến hai, ba tuổi thì hầu hết các em đều có thói quen nằm võng dù nhà không thiếu gì giường nệm, ván ngựa  khá mát mẻ. Các em tự nằm võng, tự đưa, tự hát nghêu ngao ,xem võng như người bạn thân thiết. Hễ đi đâu hoặc làm công chuyện thì thôi còn về tới nhà hoặc nghỉ ngơi thì leo lên võng, thậm chí vừa ăn cơm xong có em cũng thường nằm võng một hồi cho xuống cơm rồi mới đi chơi hoặc đi làm. Nếu nhà chỉ có một cái võng, ai xí trước sẽ được ưu tiên, nếu không thì chịu khó “chất” lên hai đứa cũng được. Còn với những căn nhà rộng rãi, cha mẹ biết ý thì sắm nhiều cái võng để tiện nằm nghỉ ngơi, nhiều khi có khách đến chơi cả ngày , có võng nằm nghỉ ngơi chờ bữa cơm cũng thích.
Đối với người lớn, có thể có thời gian nằm võng ít hơn vì phải thường xuyên đi làm xa hoặc làm công chuyện xung quanh thế nhưng sau thời gian  lao động mệt mỏi thì nằm võng cũng là cách nghỉ ngơi lí tưởng nhất bởi nghỉ trưa, nghỉ mệt mà nằm trên ván, trên giường thì nóng nực hơn, có thể không bớt mỏi lưng mà còn khó ngủ. Vì muốn có không gian mát mẻ, yên tĩnh hơn nên có nhiều người tháo võng trong nhà ra vườn giăng, nằm ngắm trời mây , ngủ một giấc rồi cuốn võng vào .Riêng đối với các ông già, bà lão càng không thể thiếu chiếc võng được.Tuổi già hay mêt mỏi, đi tới đi lui rồi lên võng đong đưa, khi võng đứt dây hoặc hư hao thì lại nhắc con cháu kiếm liền hoặc càng sớm càng tốt.
Vì tính tiện dụng của chiếc võng nên các anh , các chị   hành quân cũng không quên mang theo chiếc võng dù , mỗi khi dừng chân ở hàng cây hay cánh rừng xa tít , các anh  chị cũng có thể mắc võng  nằm cạnh  nhau cùng tâm sự. Nhờ có chiếc võng như vậy nên các anh, các chị có thêm những giây  phút yêu đời cùng quyết tâm chiến đấu.
Theo những người đi làm ăn xa,họ nói dù rày đây mai đó nhưng cũng cần chiếc võng, dừng lại ở đâu là giăng ở đó. Có thể là giăng nhờ ở góc vườn hoặc bến sông cũng được, nếu đi trên ghe mui, ghe lớn cũng thì cũng phải dành một góc để đưa võng.Biết được nhu cầu nghỉ ngơi như vậy nên nhiều chủ quán cũng đầu tư làm nơi giăng võng, nhiều quán có cả trăm cái võng nên người ta gọi  đó là quán võng. Trong những chuyến học tập hoặc làm việc xa xôi, người ta có thể ghé vào quán võng dùng li cà phê, trả thêm vài ngàn là có một chỗ nghỉ ngơi , ngon giấc.
Trong điều kiện  kinh tế, xã hội , văn hoá…ngày càng phát triển, người ta có thể nằm ghế xếp, lên phòng lạnh nghỉ ngơi nhưng không vì thế mà người ta lãng quên chiếc võng và thật sự chiếc võng xếp đã trở thành sản phẩm góp phần lưu giữ nét văn hoá, nếp sống sinh hoạt độc đáo của người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.