Đó không phải là một câu chuyện cổ tích, câu chuyện ấy đã diễn ra ở đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và nó đang được viết tới đoạn kết, khi mà cái nghề đặc biệt này dần bị lãng quên.
Đến Cù Lao Chàm hôm nay mọi người không chỉ để được lặn ngắm san hô, bắt cá, được tắm nước giếng cổ có từ hàng trăm năm trước. Cù Lao Chàm còn cuốn hút mọi người bằng câu chuyện về những người mẹ, người vợ một thời hằng ngày ôm con đan võng ngô đồng ngóng chờ chồng biền biệt từ biển Đông trở về.
Các già làng sống trên đảo này cho biết từ rất xa xưa khoảng thế kỷ thứ 7-10, Cù Lao Chàm đã là nơi qua lại của giới thương gia quốc tế. Từ thế kỷ 17, những cư dân đầu tiên dùng thuyền gỗ, thuyền tre vượt sóng khai hoang sinh sống trên đảo. Hầu hết họ là những cư dân can trường. Những cư dân đầu tiên này nhanh chóng lập ấp, dựng làng và hình thành nên xã đảo ngày nay. Nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió của xứ Quảng Nam.
Cụ Sáu Long, một cư dân lâu năm trên đảo kể: “Sau một thời gian sinh sống, tổ tiên chúng tôi đã khai sinh ra loại võng được làm từ cây ngô đồng. Một loài cây rắn rỏi, sống sâu trong rừng trên đảo, thường xuyên chống chịu với bão tố. Cây ngô đồng rắn rỏi như thân hình của những ngư dân trên đảo chúng tôi vậy”.
Mệ Nguyễn Thị Quỳ (73 tuổi) đang tỉ mẩn đan võng ngô đồng - một công việc gắn liền từ thời thiếu nữ đến nay. Ảnh: LÊ PHI
Theo cụ Sáu Long, nghề đan võng ngô đồng là nghề truyền thống trên đảo này. Trước đây nhà nào cũng đan. Phụ nữ, con gái biết đan võng trước khi biết rung động yêu thương. Thiếu nữ trước lúc về làm dâu phải đan một vài chiếc làm quà biếu cha mẹ chồng. Còn đàn ông trên đảo, dao lận lưng hông, chân trần đạp rừng mà đi tìm cây ngô đồng trong thời gian rảnh rỗi. Thân cây ngô đồng chất đầy nhà để đến mùa đi biển, vợ ở nhà ngồi dệt võng ngóng chồng.
“Trai tráng vào rừng phải lựa những thân cây không quá to nhưng không quá bé, đập dập rồi lột vỏ vác về. Mỗi lần đi chặt ngô đồng chân tay tóe máu, trầy trụa. Máu trai tráng hòa lẫn thân vỏ ngô đồng. Khổ cực là vậy nhưng đó mới chỉ là công đoạn đầu” - cụ Sáu Long đưa bàn tay chai sờn, móm mém nói.
Trên đảo Cù Lao Chàm này ít người sống thọ như cụ Nguyễn Thị Môn (94 tuổi). Mọi người bảo chính nhờ cái nghề đan võng ngô đồng mà cụ Môn trường thọ. Cụ Môn cũng chính là “báu vật” trong câu chuyện đan võng ngô đồng mà người dân nơi xã đảo hoang vắng này tự hào. 13-14 tuổi, cụ Môn đã theo mẹ học những bài học đầu tiên về nghề đan võng ngô đồng. Từ đó đến nay cụ đan võng ngô đồng đã ngót nghét tròn 80 năm, vượt qua các biến thiên của lịch sử.
“Thanh niên trai tráng đi biển. Phụ nữ ở nhà ôm con ngóng chồng thì ngồi đan võng ngô đồng. Mệ biết cái nghề ni từ thời thiếu nữ. Lúc đó võng ngô đồng phát triển lắm. Đan võng xong thì theo thuyền đem vào đất liền bán. Bán một cái võng đong gạo ăn cả tháng. Võng như đặc sản vậy. Nó nuôi được một đàn con của mệ lớn khôn” - mệ Môn minh mẫn nói.
Theo mệ Môn, có những thời điểm võng ngô đồng làm ra bao nhiêu là vào chợ Hội An bán hết bấy nhiêu. Cứ mỗi lần vào đất liền là người ta ùa tới hàng võng của mệ. Nhưng giờ đây nghề đan võng dần mai một. Thiếu nữ trên đảo chẳng còn ai thích thú học nghề. Chẳng còn những người vợ bế con ra bến ngồi đan võng hát à ơi ru con chờ chồng đi đánh cá về.
Bốn nghệ nhân còn sót lại
Cù Lao Chàm hiện giờ chỉ còn đúng bốn người biết đan võng ngô đồng là mệ Môn, mệ Nguyễn Thị Bỡ (75 tuổi), mệ Nguyễn Thị Quỳ (73 tuổi), mệ Lê Thị Kề (76 tuổi). Đây là bốn nghệ nhân còn sót lại của Cù Lao Chàm. Người làm nghề ít nhất cũng 50 năm và lâu nhất là 80 năm. Vì vậy cứ mỗi lần có du khách tới thăm đảo, các mệ lại có dịp biểu diễn để hồi tưởng một thời hoàng kim xa vắng. Nhưng biểu diễn mãi mà không có người để truyền nghề các mệ lại buồn nẫu ruột.
“Bọn trẻ chẳng thèm theo cái nghề ni nữa. Bảo bọn nó học, chúng lại bảo làm cái nghề ni chi cho cực. Cực chẳng đã mới làm chứ thời ni ai còn nằm võng ngô đồng. Quê mùa quá” - mệ Nguyễn Thị Quỳ bùi ngùi. Mệ Quỳ cho biết có một điều kỳ lạ là mỗi lần du khách tới đảo thì đều tìm tới mua võng ngô đồng. Nhiều người mua võng về nằm một lần thích quá lại gọi ra đảo đặt hàng tiếp để biếu người thân. Có lẽ vì “quê mùa quá” nên đâm ra khách hàng mến.
Mệ Lê Thị Kề lại kể từng công đoạn làm võng. Ban đầu lên núi chặt cây ngô đồng, đập dập chỉ trừ lại vỏ cây. Chọn phần vỏ tốt nhất rồi đem ngâm dưới suối nửa tháng mới đem lên. Vỏ cây ngô đồng sau khi được ngâm nước phơi khô thì trắng toát và bền đến kỳ lạ. Sợi vỏ cây ngô đồng còn bền dai hơn dây cước đánh cá của ngư dân. Một cái võng cây ngô đồng ít nhất cũng dùng được 20 năm. Võng nằm vừa mát vừa êm.
Rồi từ sợi cây ngô đồng ấy, qua đôi bàn tay của các mệ hình hài chiếc võng dần hiện ra. Khó nhất là đan định hình cho được đầu con chằng (từ đây se ra các mối để đan thành một chiếc võng). Đan sai dù một con chằng hay đan hơi lỏng, hơi chặt thì đều thất bại. Lúc đó sẽ chẳng ra một chiếc võng ngô đồng mà thành mớ tơ vò rối rắm. “Không phải ai cũng biết đan đầu con chằng này. Phải học rất lâu mới biết làm. Phải làm nhiều thì mới thành quen. Làm lâu năm nhưng nếu không làm một thời gian thì lại phải đi học lại mới có thể làm được. Đó là công đoạn khó nhất” - mệ Kề bật mí.
Mệ Lê Thị Kề (76 tuổi) chăm chú từng đường đan. công việc này giúp mệ có thêm thu nhập, giảm đi gánh nặng cho con cháu. Ảnh: LÊ PHI
Tâm tư gửi vào từng sợi ngô đồng
Mệ Kề bảo để hoàn thành một chiếc võng ngô đồng mệ phải đan liên tục một tháng trời. Có khi phải chong đèn đan suốt đêm. Bốn đến năm bó vỏ ngô đồng thì mới cho ra được một cái võng. Trước đây cây ngô đồng thì chồng con lên núi chặt đem về nhưng giờ phải ra chợ mua. Đan cực khổ là vậy, tiền mua vỏ hết 200.000 đồng nhưng các mệ cũng chỉ bán khoảng 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/chiếc võng. Du khách Hà Nội, TP.HCM hay những ông bà Tây đều rất thích và thường mua võng của các mệ. Khách thấy thương lại cho thêm tiền để các mệ ăn trầu.
“Trừ ngược trừ xuôi, công sức cả tháng khi bán cũng chẳng còn được bao nhiêu. Nhưng nghề thấm vào trong máu, không làm lại ngứa ngáy đôi tay. Những hôm đau ốm nằm viện, tay nhớ nghề cứ thế mà tỉ mẩn se, vuốt, xoắn theo quán tính. Sực nhớ lại trong tay chẳng có sợi ngô đồng nào” - mệ Kề bộc bạch.
Mệ Nguyễn Thị Bỡ lại cho biết ngoài yêu nghề thì đây cũng là một công việc kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cháu. “Mệ già rồi, đáng lý nghỉ ngơi, hằng tháng con cháu chu cấp. Nhưng tụi nó nghèo khó, đi biển kiếm cơm biền biệt lấy gì lo cho mệ. Nhưng giờ đôi tay mệ còn làm được, vừa chăm cháu vừa đan võng ngô đồng kiếm thêm mỗi tháng ít đồng phụ con. Có thêm đồng bạc ăn miếng trầu cái bánh, đỡ phải làm phiền dâu con” - mệ Bỡ bỏm bẻm nhai trầu.
Mệ Bỡ tâm sự cũng có hôm mệ thức suốt đêm đan võng ngô đồng. Khi chưa có đèn pin, đèn ắcquy thì chong đèn dầu ra bên hiên nhà đan, để con cháu ngủ sáng mai lại theo bạn thuyền ra khơi. “Nhiều hôm nhập tâm, mệ đan quên thời gian. Con cháu ngủ dậy bắt vào nằm ngủ, chúng còn la sao mẹ không chịu giữ gìn sức khỏe” - mệ Bỡ chia sẻ.
Hỏi mệ Bỡ có ý định bỏ nghề để tĩnh dưỡng tuổi già không, Mệ xua tay bảo: “Khi nào chết thì bỏ. Còn thở thì còn làm. Vì chính cái nghề này đã giúp mệ có nghị lực mà sống. Mệ sinh tám đứa con, mất năm còn ba. Nhờ trút tâm tư vào võng ngô đồng mà mệ vượt qua thử thách cuộc đời”.
Giờ đây đảo Cù Lao Chàm nườm nượp khách đến. Các mệ không còn phải ngồi đan võng ngóng chồng trở về từ biển như xưa nữa. Chiếc võng ngô đồng của các mệ giờ đây cũng to lớn hơn để phù hợp với những vị khách Tây. Nhưng đau đáu của mệ Môn, mệ Bỡ, mệ Kề, mệ Quỳ là giờ đây không còn ai nối nghề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.